Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

Giới trẻ trên khắp thế giới cám ơn Đức Thánh Cha qua video

Giới trẻ trên khắp thế giới cám ơn Đức Thánh Cha qua video

Thứ tư - 27/02/2013 19:05
Giới trẻ trên khắp thế giới cám ơn Đức Thánh Cha qua video
Một nhóm trẻ từ Madrid đã đăng một đoạn video trực tuyến dài 2 phút với các tin nhắn từ khắp thế giới để cám ơn Đức Thánh Cha Benedicto XVI vì sự phục vụ Giáo Hội của ngài.

"Chúng con là những người trẻ luôn cùng với Đức Thánh Cha", đoạn video nhấn mạnh đến Đức Thánh Cha, người sẽ rời khỏi cương vị Giáo hoàng vào cuối tháng 2 này do tuổi cao và sức khoẻ yếu.
 
Với tựa đề "Cho người thanh niên 85 tuổi", đoạn video đã lan truyền nhanh chóng, nhận được hơn 50.000 lượt xem trên YouTube chỉ trong 5 ngày. Trong đoạn phim, những người trẻ từ khắp nơi trên thế giới cám ơn Đức Thánh Cha Benedicto XVI về "những giáo huấn về lý trí, đức tin và sự khiêm tốn" của ngài cũng như cho các bạn trẻ thấy được "sự dịu dàng của Chúa Kitô" và làm nhân chứng chân thành về niềm hy vọng, lòng quảng đại và sự can đảm.
 
Các bạn trẻ nhắc nhở Đức Thánh Cha rằng họ đang cầu nguyện cho ngài.
 
Pablo Larrocha, một trong những người trẻ phổ biến đoạn video, cho biết anh có ý tưởng thực hiện đoạn video này sau khi Đức Giáo hoàng tuyên bố từ nhiệm. "Tôi cảm thấy một sự im lặng trong Giáo Hội mà tôi không thích tí nào cả", anh nói.
 
Sự im lặng "trong một nghĩa nào đó dường như bình thường vì những tin tức bất ngờ" - anh tiếp tục - "Nhưng tôi cảm thấy tôi phải làm một cái gì đó để mọi người có thể thấy rằng Đức Giáo hoàng không đơn độc."
 
Đức Giáo hoàng cần biết rằng "những người trẻ chúng tôi luôn ở bên cạnh ngài, chúng tôi vẫn mãi là con cái là những người con trai và con gái của ngài và rằng chúng tôi sẽ yêu ngài đến cùng", Larrocha nói.
 
Với sự giúp đỡ của người bạn Fuentes Chechu, anh đã quyết định thu hình 30 người trẻ ở Madrid, nhưng một người bạn khác đề nghị họ cũng có cuộc hội nghị truyền hình với những người trẻ ở các quốc gia khác nhau. "Vì vậy, chúng tôi nhận thức rõ ràng rằng điều này phải là một biểu thức bày tỏ lòng tri ân trên toàn thế giới", Larrocha nói tiếp.
 
Đoạn video gồm có những người trẻ từ nhiều quốc gia bao gồm Đức, Romania, Pháp, Peru, Chile, Venezuela, Argentina, Slôvakia, Australia, Nga, Mỹ, New Zealand và Trung Quốc.
 
Các bạn Chechu García, Miguel del Moral, Bruno Contreras, Iziar Francín, Pilar Muñoz-Elena và Javier Contreras đều góp phần vào việc tạo ra video này.
 


Ấn VÀO ĐÂY để xem nếu đường truyền internet yếu.

Lời từ biệt của ĐTC Bênêđictô



Lời từ biệt của ĐTC Bênêđictô XVI trong tin yêu và hy vọng
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng2/27/2013

Buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư hôm nay 27.02.2013 là buổi tiếp kiến chung thứ 348 và cũng là buổi cuối cùng của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI trong tư cách người kế vị thánh Phêrô. Ngài ngỏ lời từ biệt chính thức với các Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám mục, linh mục, tu sĩ và hơn 170 ngàn tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô tại Roma. Đây cũng có thể coi là di chúc kết thúc triều đại giáo hoàng của ngài. Dù đây là lần cuối cùng và đan xen nhiều cảm xúc của dân Chúa, nét mặt Đức Thánh Cha biểu lộ rõ tâm trạng bình an thư thái. Những lời chia sẻ thể hiện một tâm hồn yêu mến Giáo Hội không thể chuyển lay, sự tín thác tuyệt đối vào tình yêu và sức mạnh của Thiên Chúa, đồng thời luôn luôn người dậy đức tin để hướng dẫn các tín hữu đi vào chiều sâu nội tâm mối tương quan với Thiên Chúa với Giáo Hội bằng một trái tim yêu thương.

Ngày xưa Đức Giêsu đã xây dựng Giáo Hội của Người trên nền tảng vị Tông Đồ Cả Phêrô : “ Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16, 18). Ngày nay, là người kế vị thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI luôn luôn ý thức trọng trách nặng nề và xác tín lời mà Đức Giêsu nói với Phêrô ở trên: “Con thuyền Giáo Hội không phải của tôi, không phải của chúng ta, nhưng là của Chúa, và Người không để cho nó chìm. Chính Chúa điều khiển nó, chắc chắn cả qua các người mà Người đã chọn, bởi vì Người đã muốn như thế”.

Nếu như xưa Chúa Giêsu hỏi Phêrô ba lần: “ Này anh Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” (Ga 21, 15) và sau mỗi lần trả lời “có” của người Tông Đồ này thì Chúa Giêsu đều lặp lại sự trao phó của Người đối với Phêrô. Đức Bênêđictô XVI hôm nay cũng luôn luôn và suốt đời đáp trả lại tiếng gọi trên bằng tất cả tình yêu và con người mình: “Đây là một gánh nặng lớn mà Chúa đặt lên vai con, nhưng nếu Chúa xin con, thì dựa trên lời Chúa con sẽ thả lưới, chắc chắn rằng Chúa sẽ hướng dẫn con”.

Trong gần tám năm làm giáo hoàng, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI cũng đã trải qua những kinh nghiệm vất vả, nặng nhọc như của Phêrô trước đây: “Tôi đã cảm thấy như thánh Phêrô với các Tông Đồ trong con thuyền trên hồ Galilea: Chúa đã cho chúng ta biết bao nhiêu ngày có mặt trời và gió mát hiu hiu, những ngày trong đó đã đánh được đầy cá; nhưng cũng có những lúc trong đó nước động và gió ngược, như trong suốt lịch sử của Giáo Hội và xem ra Chúa ngủ”.

Đức Giáo Hoàng luôn luôn thi hành sứ mạng này trong sự tín thác vào sức mạnh của Thiên Chúa, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và cùng với sự cộng tác của hết mọi thành phần dân Chúa: “Một Giáo Hoàng không một mình hướng dẫn con thuyền của Phêrô, cả khi trách nhiệm đầu tiên là của người; và tôi đã không bao giờ cảm thấy cộ đơn trong việc mang niềm vui và gánh nặng của sứ vụ Phêrô. Chúa đã đặt bên canh tôi biết bao nhiêu người đã giúp đỡ và gần gũi tôi, với sự quảng đại và tình yêu thương đối với Thiên Chúa và Giáo Hội”.

Thi hành sứ mạng của người kế vị thánh Phêrô cũng là phải xóa mình đi để sống cho những người mình được trao phó, Đức Thánh Cha đã thêu dệt những mối liên hệ thân tình với tất cả các tín hữu trên toàn thế giới. Ngài cảm thấy rất gần gũi như trong một gia đình không những trong mối tương quan với những vị chủ chăn địa phương, mà còn mới các tín hữu đó đây mỗi khi nhận được thư của họ: “Tôi cũng nhận được rất nhiều thư của những người đơn sơ viết cho tôi một cách dơn sơ từ trái tim của họ. Họ viết cho tôi như các anh chị em hay như con cái, với ý thức về một mối dây gia đình rất yêu mến”.

Ngài luôn luôn ý thức vai trò dậy dỗ đức tin, tận dụng mọi cơ hội để giới thiệu Thiên Chúa cho mọi người và xác tín tình yêu vô biên của Người dành cho hết mọi con cái. Đức Thánh Cha cũng khơi lên niềm hy vọng, sống trong hy vọng và đừng đánh mất niềm hy vọng. Ngài cũng nhấn mạnh đến chiều kích đức tin đây là ơn Thiên Chúa ban mà người đời không thể nào tước đoạt được. Đức Thánh Cha cũng khích lệ các tín hữu sống trong niềm vui vì là Kitô hữu.

Những lời từ biệt của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI mang niềm tin yêu hy vọng đối với Thiên Chúa, với Giáo Hội của Người và với mỗi tín hữu. Tạ ơn Thiên Chúa về tất cả những gì đã và sẽ làm cho Giáo Hội qua triều đại giáo hoàng Bênêđictô XVI và Đấng Kế Vị sắp tới đây.

Thế giới trước quyết định từ nhiệm của Giáo hoàng

Thế giới trước quyết định từ nhiệm của Giáo hoàng

 
 
Các nhà lãnh đạo thế giới, các nhân vật hàng đầu của Giáo hội Công giáo cùng nhiều cộng đồng tôn giáo khác đã vinh danh Giáo
hoàng Benedict XVI sau khi ngài công bố quyết định sẽ từ nhiệm vào ngày 28/2 tới
vì lý do sức khỏe và tuổi tác.

Mặc dù thông báo trên đã gây sốc cho cộng đồng người Công giáo và toàn thế
giới, song tất cả đều dành những lời tôn trọng nhất ca ngợi thành tựu của Giáo
hoàng.

Thủ tướng Italy Mario Monti: "Tôi rất tôn trọng quyết định của Đức Giáo
hoàng Benedict XVI. Tôi chắc chắn rằng quyết định này xuất phát từ ý chí phục vụ
Giáo hội đến cùng và để đảm bảo rằng Giáo hội sẽ được hướng dẫn kiên định như
vậy trong tương lai. Tôi sẽ trân trọng ghi nhớ khoảnh khắc cảm động về cuộc đối
thoại cá nhân gần gũi mà Đức Thánh Cha đã đồng ý để hỗ trợ cam kết của tôi với
chính phủ."

Thủ tướng Đức Angela Merkel đánh giá Giáo hoàng Benedict XVI là một trong
những nhà tư trưởng tôn giáo quan trọng nhất của thời đại và ngài xứng đáng
"được tôn kính" và "nhớ ơn" vì những gì Ngài đã làm trong gần 8 năm qua trên
cương vị người đứng đầu nhà thờ Thiên chúa giáo.

Chính phủ Đức rất kính trọng Đức Thánh Cha, kính trọng những thành tựu của
ông cũng như cả cuộc đời dâng hiến cho Giáo hội Công giáo. Trong khi đó, Thủ
tướng Pháp Francois Hollande cũng ca ngợi quyết định của Giáo hoàng Benedict XVI
là rất đáng được kính trọng.

[Giáo hoàng Benedict XVI tuyên bố từ nhiệm vào
28/2]

Thủ tướng Anh David Cameron cho rằng: "Đức Giáo hoàng Benedict đã làm việc
không mệt mỏi để tăng cường quan hệ của nước Anh với Tòa Thánh. Chuyến thăm của
ngài đến Anh vào năm 2010 được nhớ đến với sự kính trọng và tình cảm. Ngài sẽ
được ghi nhớ như là một nhà lãnh đạo tinh thần cho hàng triệu người."

Lãnh đạo tinh thần của Giáo hội Anh bày tỏ: "Trái tim ông cảm thấy nặng
trĩu sau khi biết quyết định thoái vị của Đức Giáo hoàng. Trong tuyên bố gửi
cộng đồng Giáo hội Anh, Tổng Giám mục của Canterbury Justin Welby nói rằng ông
hoàn toàn đồng cảm với quyết định của Đức Giáo hoàng Benedict XVI rời khỏi công
việc mà Đức Giáo hoàng đã đảm đương với “tư cách, nhận thức và sự can đảm tuyệt
vời.”

Tổng Giám mục Welby cầu xin Thiên Chúa ban phước cho Đức Giáo hoàng trong
thời gian về hưu, và cho những người được ủy thác nhiệm vụ lựa chọn người kế vị.

Đức Hồng y Keith O'Brien của Scotland: "Cũng như nhiều người trên khắp thế
giới, tôi đã bị sốc và đau buồn khi nghe quyết định từ chức của Đức Giáo hoàng
Benedict XVI. Tôi biết rằng quyết định của ngài đã được cân nhắc cẩn thận nhất
và quyết định đó đã đến sau nhiều cầu nguyện và suy tư."

Phát ngôn viên Vatican, Cha Federico Lombardi nêu rõ: "Chắc chắn bạn sẽ có
nhiều câu hỏi nhưng tôi tin rằng chúng tôi sẽ cần ít ngày để lấy lại quân bình
vì thông báo này đã làm tất cả chúng tôi rất đỗi ngạc nhiên."

Tổng Giám mục Westminster Vincent Nichols bày tỏ: "Công bố của Đức Giáo
hoàng Benedict XVI ngày hôm nay (11/2) đã gây sốc và ngạc nhiên cho tất cả mọi
người. Tuy nhiên, tôi chắc chắn rằng nhiều người sẽ nhận ra đó là một quyết định
can đảm tuyệt vời và rõ nét đặc trưng trong tâm trí và hành động. Tôi cúi chào
lòng dũng cảm và quyết định của ngài."

Tổng Giám mục New York, Hồng y Timothy Dolan - Chủ tịch Hội đồng Giám mục
Công giáo Hoa Kỳ nêu rõ: "Đức Thánh Cha đã mang trái tim dịu dàng của một mục
tử, một khối óc sắc bén của một học giả và sự tự tin từ một con tim được kết hợp
với Thiên Chúa trong tất cả những gì ngài đã thực hiện. Việc từ chức của ngài là
một dấu hiệu của sự chăm sóc tuyệt vời của ngài cho Giáo hội. Chúng ta buồn vì
ngài từ chức nhưng biết ơn đối với gần 8 năm lãnh đạo vị tha của người kế vị
Thánh Phêrô."

Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết ông và phu nhân cảm tạ sự phục vụ của
Đức Giáo hoàng và dành lời cầu nguyện của họ cho Ngài. Trong một tuyên bố cùng
ngày, ông Obama lưu ý rằng giáo hội Công giáo đóng một vai trò quan trọng tại Mỹ
và thế giới, và ông cầu chúc mọi điều tốt nhất cho những vị sắp nhóm họp để chọn
người kế nhiệm Đức Giáo hoàng.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner thuộc đảng Cộng hòa, tuyên bố quyết định
của Ðức Giáo hoàng “chứng tỏ sự khiêm cung khác thường và tình yêu đối với Giáo
hội.”

Tại Trung Đông, Trưởng giáo sỹ Do Thái giáo của Israel, Yona Metzger, nói
rằng Đức Giáo hoàng Benedict XVI đã cải thiện mối quan hệ giữa Do Thái giáo và
Kitô giáo, điều đó đã giúp giảm bớt phong trào bài Do Thái trên khắp thế giới.
Ông hy vọng người kế nhiệm sẽ tiếp bước những hoạt động của Đức Giáo hoàng.

Phát ngôn của Tổng thống Philippines Edwin Lacierda khẳng định: "Quyết
định của Đức Giáo hoàng Benedict XVI là quyết định lịch sử, cùng với sự khiêm
tốn và cách thi hành nhiệm vụ mà ngài đặt làm cốt lõi trong việc phục vụ của
ngài trên cương vị Giáo hoàng. Cầu chúc ngài có được thời gian nghỉ ngơi, sự an
bình và toại nguyện trong việc nghỉ hưu khép kín của ngài."

Người phát ngôn của Hội đồng Giám mục Công giáo Nam Phi, Tổng Giám mục
William Slattery của Pretoria nói: "Chúng tôi muốn bày tỏ lòng ngưỡng mộ của
chúng tôi cho sứ vụ và lòng can đảm của ngài phải đối mặt với những hạn chế do
tuổi tác của ngài. Chúng tôi muốn cầu nguyện cho Đức Giáo hoàng Benedict XVI và
Giáo hội."

Quyết định từ chức của Giáo hoàng Benedict XVI cũng đồng nghĩa với việc
các hồng y giáo chủ sẽ phải tiến hành một hội nghị để bầu một giáo hoàng mới.
Tòa thánh Vatican dự kiến sẽ tổ chức bầu giáo hoàng mới vào trước lễ Phục Sinh,
có thể là trong 15 đến 20 ngày tới.

Tuy nhiên, trước khi đưa ra quyết định trên, Giáo hoàng Benedict XVI đã
sửa đổi cách thức lựa chọn người kế nhiệm cho mình để đảm bảo vị Giáo hoàng mới
có thể nhận được sự ủng hộ lớn nhất.

Theo quy định này, Giáo hoàng mới sẽ được chọn khi có đủ 2/3 số hồng y
trong hội nghị của đoàn giáo chủ lựa chọn, bất kể phải trải qua bao nhiêu vòng
bầu cử. Như vậy "chiếu chỉ" của Giáo hoàng Benedict XVI đã đảo ngược lại cách
thức lựa chọn của người tiền nhiệm, Giáo hoàng John Paul II, được ban hành năm
1996./.