Đó là nhận định của Cha Robert Gahl, giáo sư đạo đức học tại Đại Học Giáo Hoàng Thánh Giá ở Rôma. Ngài cho rằng phá thai báo hiệu một điều gì bàng bạc và bén rễ rất sâu trong xã hội ta, đó chính là việc đánh mất căn tính nhân bản, đến nỗi người đàn ông và người đàn bà ngày nay không còn coi họ là người được mời gọi tham dự vào quyền lực sáng tạo của Thiên Chúa nữa.
Ngài lên tiếng như thế trong một cuộc phỏng vấn của chương trình truyền hình “Nơi Thiên Chúa Khóc” thuộc Hệ Thống Truyền Thanh Và Truyền Hình Công Giáo đề cập tới lịch sử phá thai và ý nghĩa của nó đối với tương lai.
Hỏi: Phá thai là một nạn khổ phổ quát: hơn 53 triệu cuộc phá thai diễn ra mỗi năm trên khắp thế giới. Tại một số nước, hơn 70% phụ nữ từng đã phá thai. Tại sao ngày nay, vấn đề này bỗng nhiên lại thịnh hành đến thế: phá thai, an tử?
Cha Gahl: Vâng, đây là một nghịch lý đáng buồn, một nghịch lý nhắc ta nhớ tới Tội Nguyên Tổ. Với Tội Nguyên Tổ, Adong và Evà thực sự đã cố gắng thay thế Thiên Chúa bằng việc muốn trở nên thần thánh. Ngày nay, khi những con người nhân bản muốn chiếm lấy quyền lực Thiên Chúa, tức quyền lực đối với nguồn sự sống, và thay thế Người để họ có thể kiểm soát lúc khởi đầu của sự sống theo cách đi ngược hẳn lại ý định của Thiên Chúa và do đó đi ngược hẳn lại ý định của tình yêu, họ cảm thấy đầy quyền lực trong giây lát. Nhưng chẳng bao lâu sau, họ cảm thấy thất vọng, thậm chí còn bác bỏ cả căn tính của mình, vì căn tính của họ là căn tính của tình yêu, vì tất cả chúng ta được tạo ra để yêu thương.
Trái tim ta được tạo ra cho tình yêu. Bởi đó, thay vì là những con người yêu thương, thay vì các mối liên kết gia đình, ta trở thành những người chế tạo, những người có quyền kiểm soát các sản phẩm. Như thế là bác bỏ căn tính của mình vì nếu năng lực trao ban sự sống của ta chỉ là năng lực sản xuất ra các yếu tố như thể “tôi đã được sản xuất ra” và “tôi chỉ là thành phẩm cuối cùng của hệ thống sản xuất đã được cơ giới hóa” thì rõ ràng đó là một bác bỏ chính phẩm giá làm con cái Thiên Chúa của tôi, phẩm giá là con cái của cha mẹ tôi.
Hỏi: Nếu phải nhìn trở lui lịch sử, đâu là thời điểm, hay thời cơ thuận tiện khiến việc phá thai và dùng tế bào gốc phôi thai để nghiên cứu được chấp nhận và việc an tử xuất hiện ở chân trời?
Cha Gahl: Phá thai, buồn thay, đang xẩy ra khắp nơi đến nỗi ngày nay nhiều người, cả các văn kiện của LHQ nữa, cũng coi nó là quyền về sinh sản. Nguồn gốc của điều đó chính là cuộc cách mạng tình dục, vốn chẳng phải là một cuộc cách mạng giải phóng nhưng là một cuộc cách mạng tự yêu mình cách bệnh hoạn (narcissism), cuộc cách mạng hạ bệ, cắt bỏ các mối liên kết, cắt bỏ âu yếm, tình bạn và tình yêu với người khác. Và điều chính yếu trong cuộc cách mạng tình dục này, một điều có tính xúc tác, giống như đổ dầu vào lửa đang hoành hành, chính là việc khai triển ra hóa chất ngừa thai, khiến người ta có khả năng làm tình mà không có con, hưởng tính dục chỉ như một khoái cảm ích kỷ. Họ có thể cắt đứt sợi dây nội tại nối kết tính dục với việc trao ban sự sống, và trong khi làm như thế, họ đã cắt đứt tính dục khỏi cam kết yêu thương đầy nghiêm túc, khỏi việc thiết lập một gia đình, và dĩ nhiên khỏi việc trở thành cha thành mẹ, thực sự giảm thiểu nhân phẩm con người.
Thiển nghĩ vấn đề phá thai giống như một tia sáng báo hiệu. Nó báo hiệu cho thấy sự sống đang bị hủy diệt, nhưng điều còn trầm trọng hơn nữa, nó báo hiệu một điều gì đó bàng bạc hơn và bén rễ sâu hơn trong xã hội ta, sâu xa hơn ta tưởng.
Hỏi: đó là điều gì?
Cha Gahl: Đó là việc đánh mất căn tính của chính bản ngã ta như là chủ thể tham dự vào quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa và được mời gọi trở nên cha nên mẹ.
Hỏi: Phá thai thường được biện minh như quyền được chọn lựa nhưng cũng được biện minh như một đòi hỏi của tình yêu. Thí dụ, tôi thà phá thai đứa con của tôi hơn là nuôi nó trong tình thế không được yêu thương. Làm thế nào chúng ta lại phải đối diện với tình thế ngược đời trong đó người ta lấy tình yêu để biện minh cho chết chóc?
Cha Gahl: Tình yêu nhân bản thật sự không có điều kiện. Nó có đó khi bạn yêu ai bất kể chuyện gì. Bất kể chuyện gì xẩy ra cho họ, bạn vẫn quan tâm chăm sóc họ. Nếu họ yếu đau, kể cả khi họ bị tai nạn xe hơi và bị bại liệt, bạn vẫn chăm sóc họ suốt đời. (Trái lại), thứ tình yêu kia, thứ tình yêu vị kỷ kia, là khi bạn chỉ hiến thân cho một ai đó cho tới lúc bạn không còn thích họ nữa. Ta cần phải đảo ngược hoàn toàn vấn đề này để chủ trương rằng ta cần phải chấp nhận mọi người, mọi sự sống nhân bản, như kiểu nói của Mẹ Teresa: “không có đứa trẻ nào ta không muốn. Nếu có đứa trẻ nào bị người ta không muốn thì cứ đem đến tôi, tôi sẽ chăm sóc nó vì tôi yêu thương nó”.
Và đây mới là sự thật của vấn đề. Nếu có ai đó đưa ra chủ trương: phá thai giúp ta thi hành một thứ chăm sóc vị tha nào đó đối với người khác để tránh nghịch cảnh, thì điều đó sẽ dẫn đến thảm họa, tôi dám nói là sát nhân nữa, vì quả đã chủ trương rằng người khuyết tật không đáng hiện hữu. Làm việc đó là bạn đã bác bỏ mọi phẩm giá con người.
Hỏi: Ta đã thay đổi từ việc coi sự sống có tầm quan trọng nội tại đến việc nhấn mạnh tới phẩm chất sự sống. Sự thay đổi này đặt ra câu hỏi: đâu là phẩm chất sự sống? Tôi có vui hưởng phẩm chất sự sống của tôi không? Còn người khuyết tật nữa: họ có vui hưởng phẩm chất sự sống mà họ đáng được hưởng hay không, một phẩm chất trên thực tế đang đặt chính sự sống của họ thành vấn đề?
Cha Gahl: Đúng thế. Một phần trong kiểu luận lý đáng kinh hãi nội tại ngay trong điều ông vừa mô tả cũng dẫn tới việc phê phán mỗi người chúng ta tùy theo thành tích của mình; giá trị của tôi tùy thuộc hoàn toàn ở điều tôi làm được trong xã hội. Nếu, vào một thời điểm nào đó, kết quả của tôi làm người khác thất vọng do vì đau yếu, lỗi lầm hay vô tình nằm trong một khu vực kỹ nghệ hay kinh tế không được người tiêu thụ ưa thích nữa, tôi sẽ cảm thấy mình không còn được cần tới và do đó, không còn chi quan trọng cả. Cấu trúc phán đoán này cũng sẽ được áp dụng vào các bà mẹ khi họ sinh ra những đứa con mắc hội chứng Down chẳng hạn. Những bà mẹ này sẽ bị phê phán nặng nề và một cách đầy tiêu cực. Điều này quả là khiếp đảm, như thể đó là một chọn lựa sai lầm khi mang vào đời những đứa trẻ như thế, mà thực ra đó là những con người đáng yêu. Suy nghĩ như thế là theo thuyết ưu sinh (eugenics), một lý thuyết được các xã hội Tây Phương chứng nhận trong đó gần 90% các trẻ sơ sinh mang hội chứng Down bị trục thai trước khi sinh ra chỉ vì thứ luận lý sa đọa kia.
Hỏi: Hồng ân lớn nhất Thiên Chúa ban cho nhân loại là hồng ân được cùng với Người đồng sáng tạo ra sự sống. Phá thai đã làm gì để bẻ gẫy mối liên hệ này giữa con người và Thiên Chúa?
Cha Gahl: Vì chủ nghĩa duy khoa học, một chủ nghĩa rút gọn mọi sự vào sự kiện khoa học, nên đôi khi ta quên rằng khởi nguyên của sự sống nhân bản không chỉ phát xuất từ người đàn ông hay người đàn bà, mà còn phát xuất từ Thiên Chúa nữa. Sự sống ấy cần đến 3 người vì linh hồn con người không phải là vật chất. Nó là một linh hồn thiêng liêng, trực tiếp và tức khắc do Thiên Chúa tạo nên. Bởi thế, khi người đàn ông và người đàn bà đến với nhau để có đứa con, thì đứa con đó cũng là đứa con của Thiên Chúa, có khi còn hơn thế nữa. Thành thử, nếu ta có thể phục hồi được việc tôn trọng sự sống như thế, ta sẽ ý thức như mới vai trò của Thiên Chúa trong việc trao ban sự sống và nhờ thế cả năng lực mà ta vốn có một cách nội tại này, một năng lực thực sự có tính thần thánh và siêu việt. Đó là năng lực sáng tạo nhờ thế ta gần như nắm được Thiên Chúa trong bàn tay mình vì, theo một nghĩa nào đó, ta có thể nói cho Người hay lúc nào cần tạo ra một linh hồn nhân bản. Như thế, nếu ta phục hồi được lòng tôn trọng đối với sự can thiệp của Thiên Chúa, thì điều này cũng sẽ giúp ta tôn trọng lẫn nhau như hình ảnh của Người, hơn nữa còn là một Chúa Kitô khác.
Hỏi: Trong những nước như Nga, hơn 70% phụ nữ từng phá thai. Tại một số tỉnh của nước này, tỷ lệ phá thai có khi còn cao hơn do việc họ sử dụng việc đó như một phương tiện kiểm soát sinh đẻ. Tại Trung Quốc, chính sách một con buộc phụ nữ phải phá thai. Đâu là tác động tâm linh và tâm lý của hiện tượng đó đối với xã hội?
Cha Gahl: Tại Đông Âu, nơi ta thường thấy các tỷ lệ phá thai cao, song song với tỷ lệ cao về tự tử, nghiện ngập và trầm cảm nặng nề, người ta thường ủng hộ chủ nghĩa hư vô, một mất mát toàn diện về ý nghĩa đời người. Điều này thường xẩy ra trong một xã hội vốn không được xây dựng trên tình yêu con cái. Cần phải canh cải não trạng ấy. Cám ơn Chúa, vì một số các nước đó đang có, thực tế, đang cho thấy một khuynh hướng tích cực. Riêng tại Liên Bang Nga, mới đây đã có việc gia tăng sinh suất. Tỉ suất phá thai tuy vẫn còn cao nhưng ta hy vọng rằng việc gia tăng sinh suất sẽ tiếp diễn cách nào đó khiến tỉ suất phá thai kia sẽ giảm đi.
Hỏi: Giáo Hội có thể và nên làm gì hơn nữa trong các vấn đề này?
Cha Gahl: Trước nhất, khi nghĩ tới “Giáo Hội” ta thường nghĩ tới hàng giáo phẩm: linh mục, giám mục, Đức Giáo Hoàng, nhưng thực ra, Giáo Hội là toàn thể các Kitô hữu đã được rửa tội. Giáo Hội là một gia đình, nên ta cần mọi người, mọi Kitô hữu đã được rửa tội, biết yêu thương chấp nhận sự sống. Ta cũng cần giúp một tay tại các trung tâm thai nghén gặp khủng hoảng. Lẽ dĩ nhiên, Giáo Hội huấn quyền, hay Giáo Hội phẩm trật cũng cần phải gắn bó với các nguyên tắc của thần học luân lý Công Giáo trong lãnh vực này.
Giáo Hội cần tiếp tục theo gương Karol Wojtyla. Lúc còn là tổng giám mục của Krakow, ngài từng mở các trung tâm giúp đỡ các phụ nữ gặp khủng hoảng. Nhưng điều quan trọng cần nhớ là: Thiên Chúa là tình yêu. Mà tôi là một đứa con của Chúa. Tôi được dựng nên theo hình ảnh của Người, nên cả tôi nữa, tôi phải làm cho khuôn mặt của Thiên Chúa, khuôn mặt của yêu thương, hiện diện giữa những con người nhân bản. Nếu ta làm việc đó trong mọi tương giao nhân bản, nếu ta thực sự tỏ lòng tôn trọng đối với nhân phẩm, nếu ta tỏ lòng tôn trọng và yêu thương đối với những người đang đau khổ, thì ta đã khởi đầu phục hồi được các nguyên tắc cần thiết giúp cho mọi sự sống nhân bản được chấp nhận. Lúc đó, sự sống không còn bị coi là một sản phẩm nữa, như những em bé của nhà thiết kế được sản xuất trong ống nghiệm theo ý muốn của một nhà sản xuất nào đó.
Nếu có thể trở lui, tôi muốn nói thêm điều này: tính dục của chúng ta cũng cần được phục hồi để tái ý thức rằng nó thánh thiện và do đó, các khuôn mẫu nết na của ta cũng như lòng tôn trọng đối với tính dục cũng như các thèm muốn tính dục của ta cần được thực thi trong sự trong sạch và can đảm để sẵn sàng trao ban sự sống bên trong cơ cấu gia đình.
Zenit 27 tháng 6 năm 2011 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét