Thứ Hai, 11 tháng 7, 2011

Thiên Chúa tôn trọng sự tự do và không bắt buộc chúng ta tin nơi Người

VATICAN - Như đã biết, từ chiều thứ năm vừa qua Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã bắt đầu đi nghỉ hè tại dinh thự Castel Gandolfo. Trưa Chúa Nhật 10-7-2011 ngài đã đọc Kinh Truyền Tin với 2.000 tín hữu trong sân nhà nghỉ mát. Đức Thánh Cha cám ơn các tín hữu đã đến đọc kinh chung với ngài, Ngài chào dân chúng thành phố Castel Gandolfo thân yêu với lời cầu chúc mọi người một mùa hè tốt lành.

Đề cập tới bài Phúc Âm của phụng vụ Chúa Nhật Đức Thánh Cha nói: Trong bài Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay (Mt 13,1-23) Chúa Giêsu nói với dân chúng dụ ngôn nổi tiếng của người gieo giống. Đây hầu như là một trang ”tự thuật”, bởi vì nó phản ánh chính kinh nghiệm của Chúa Giêsu và việc rao giảng của Người: Chúa tự đồng hóa với người gieo giống, gieo hạt giống Lời Chúa và nhận thấy các hiệu qủa khác nhau có được, tùy theo kiểu tiếp nhận dành cho việc loan báo. Có người lắng nghe Lời Chúa một cách hời hợt mà không tiếp nhận nó; có người tiếp nhận trong lúc đó, nhưng không kiên tâm và mất tất cả; có người bị các lo lắng và các cám dỗ của thế gian lấn át; và có người lắng nghe và tiếp nhận như thửa đất tốt: ở đây Lời Chúa đem lại bông hạt dồi dào.

Nhưng bài Phúc Âm cũng nhấn mạnh trên ”kiểu” rao tiảng của Chúa Giêsu, nghĩa là việc dùng các dụ ngôn. Các môn đệ hỏi Người: ”Tại sao Thầy nói với họ bằng dụ ngôn?” (Mt 13,10). Và Chúa Giêsu trả lời bằng cách phân biệt các ông với dân chúng: cho các môn đệ, tức là những người đã quyết định theo Người, Người có thể nói về Nước Thiên Chúa một cách công khai, trái lại cho những người khác Chúa Giêsu loan báo Nước Thiên Chúa bằng các dụ ngôn, để kích thích sự quyết định và việc hoán cải con tim của họ. Thật thế, tự bản chất của chúng, các dụ ngôn đòi hỏi một cố gắng giải thích, kêu gọi trí thông minh cũng như sự tự do. Thánh Gioan Kim Khẩu giải nghĩa rằng: ”Chúa Giêsu đã nói lên các lời này với chủ ý lôi kéo các người nghe đến với Ngài và mời gọi họ bằng cách bảo đảm rằng nếu họ hướng tới Ngài, thì Ngài sẽ chữa họ lành” (Comm. al Vang. di Matt.., 45,1-2).

Và Đức ThánhCha giải thích thêm như sau: Nói cho cùng, ”Dụ ngôn” đích thật của Thiên Chúa là chính Chúa Giêsu và Bản Vị của Người, dấu ẩn trong dấu chỉ của nhân tính, và đồng thời vén mở cho thấy thiên tinh. Trong cách thế đó Thiên Chúa không ép buộc chúng ta tin nơi Ngài, mà lôi kéo chúng ta tới với Ngài với chân lý và lòng lành của Người Con nhập thể của Ngài: thật vậy, tình yêu luôn tôn trọng sự tự do.

Các bạn thân mến, ngày mai chúng ta sẽ mừng lễ thánh Biển Đức, Viện Phụ và Bổn Mạng của Âu châu. Dưới ánh sáng của bài Phúc Âm này, chúng ta hãy nhìn lên thánh nhân như bậc thầy của việc lắng nghe Lời Thiên Chúa, một sự lắng nghe sâu đậm và kiên trì. Chúng ta phải luôn luôn học từ vị Tổ Phụ của phong trào đan tu tây phương biết dành chỗ nhất cho Thiên Chúa, bằng cách dâng lên Ngài các sinh hoạt thường ngày của chúng ta với lời cầu nguyện sáng chiều. Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta theo gương mẹ, là ”đất tốt”, nơi hạt gống Lời Chúa có thể đem lại nhiều bông hạt.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng các thứ tiếng Ý,
Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha và Ba Lan. Trong tiếng Ý Ngài nhắc cho mọi người biết rằng Chúa Nhật hôm qua là ”Chúa Nhật của Biển”, nghĩa là Ngày tông đồ trong lãnh vực biển khơi. Đức Thánh Cha gửi lời chào tới các linh mục tuyên úy và các thiên nguyên viên hy sinh công sức cho công việc mục vụ cho các người sống về nghề biển, các người đánh cá, và gia đình họ. Ngài đặc biệt cầu nguyện cho các người bị cướp biển bắt cóc, và cầu mong họ được đối xử với sự tôn trọng và lòng nhân đạo. Ngài cũng nhớ tới gia đình và thân nhân của họ, cầu xin cho họ được mạnh mẽ trong đức tin và không đánh mất niềm hy vọng đoàn tụ với các người thân.

Bằng tiếng Pháp ngài đặc biệt chào các ca đoàn nhà thờ Đức Bà Lausanne Thụy Sĩ. Đức Thánh Cha xin các bậc cha mẹ dậy dỗ con cái biết quan sát thiên nhiên, tôn trọng và che chở thiên nhiên như món qùa tuyệt diệu giúp cho chúng ta cảm thấy sự cao cả của Đấng Tạo Hóa.

Chào tín hữu nói tiếng Anh ngài nhắn nhủ họ trong những ngày hè an bình này hãy quyết định sống gần Chúa hơn qua lời cầu nguyện, qua việc tham dự bí tích Thánh Thể và sống bác ái quảng đại.

Đức Thánh Cha khích lệ các tín hữu nói tiếng Đức luôn nhớ rằng ơn cứu rỗi mà Chúa Giêsu Kitô trao ban khiến cho họ có trách nhiệm đối với tha nhân và tát cả những gì Thiên Chúa đã tạo dựng. Và Thiên Chúa muốn chúng ta tự do khỏi lòng ham muốn của cải và các cột buộc giả dối của trần gian này.

Sau khi kết thúc buổi đọc kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha đã gặp một phái đoàn quốc tế thân nhân của những người đang bị cươp biển bắt làm con tin.

See Also

6/17/2011
Sợ chết ư? Các Giám Mục Hoa Kỳ đề xuất một “đường lối hoàn toàn tốt đẹp hơn”
Nguyễn Trầm Tư
4/2/2011
Hồng y tổng giáo phận Mexico than nạn tự tử gia tăng
Nguyễn Trọng Đa
11/19/2010
Các giám mục Hàn quốc và Nhật bản lo âu vì nạn tự tử kỷ lục
BTGH
8/30/2008
Ủy Ban Hoa Kỳ đặc trách Tự Do Tôn Giáo tiếp tục yêu cầu CSVN vào danh sách CPC
VNN
3/10/2008
Hai người em của bà Terri Schiavo phát động chương trình bảo vệ sự sống
Đặng Tự Do
9/6/2007
Giáo Hội dấn thân chống lại việc tra tấn trong các nhà tù
Tiến Nhân
9/5/2007
Một sinh viên-vệ binh của Vatican tự tử
Tiến Nhân
7/16/2007
Nhà tù biến thành tu viện.
Nguyễn Long Thao
4/12/2007
Hệ quả thê thảm của an tử và trợ tử tại Bỉ : trẻ con khuyết tập bị giết mà cha mẹ không hay biết
Thúy Dung
2/4/2007
ĐTC tiếp kiến hội nghị quốc tế các tu hội đời
LM. G. Trần Đức Anh. OP
8/19/2006
Những thách đố toàn cầu
Anthony Lê
10/13/2004
Mục vụ dành cho giới trẻ qua Internet càng khẩn thiết hơn bao giờ sau vụ tự tử tập thể tại Nhật
Nguyễn Việt Nam
10/12/2007
Cảnh sát trục xuất các cựu nữ tu từ chối rời khỏi tu viện Ba Lan
Thụy Nguyên
3/27/2005
Cảnh sát Italia cho biết về kẻ toan tự tử từ vòm đền thờ Thánh Phêrô
Nguyễn Việt Nam
3/10/2003
Từ sàn nhảy Disco hiến dâng cuộc đời vào tu viện: truyện Nữ Tu Anna Nobili
Ðức Ông Nguyễn Quang Sách
7/3/2011
Một nữ tu giữ kỷ lục thế giới: 84 năm sống đời đan tu
Phạm Kim An
5/1/2011
Hàn Quốc: Giáo Hội cần có kế hoạch hành động chống nạn tự tử
Phạm Kim An
4/16/2011
Bắc Hàn: Tự do tôn giáo bị từ chối
Trầm Thiên Thu
4/2/2011
Mexico: một vị Hồng Y lo buồn vì tình trạng tự tử tăng cao

Thứ Ba, 5 tháng 7, 2011

Phá thai trầm trọng hơn ta nghĩ

Phá thai trầm trọng hơn ta nghĩ
Vũ Văn An7/4/2011
Pdf Email cho bạn bè In Ra Tăng Cỡ Chữ Giảm Cỡ Chữ Cỡ Chữ Ban Đầu

Đó là nhận định của Cha Robert Gahl, giáo sư đạo đức học tại Đại Học Giáo Hoàng Thánh Giá ở Rôma. Ngài cho rằng phá thai báo hiệu một điều gì bàng bạc và bén rễ rất sâu trong xã hội ta, đó chính là việc đánh mất căn tính nhân bản, đến nỗi người đàn ông và người đàn bà ngày nay không còn coi họ là người được mời gọi tham dự vào quyền lực sáng tạo của Thiên Chúa nữa.

Ngài lên tiếng như thế trong một cuộc phỏng vấn của chương trình truyền hình “Nơi Thiên Chúa Khóc” thuộc Hệ Thống Truyền Thanh Và Truyền Hình Công Giáo đề cập tới lịch sử phá thai và ý nghĩa của nó đối với tương lai.


Hỏi: Phá thai là một nạn khổ phổ quát: hơn 53 triệu cuộc phá thai diễn ra mỗi năm trên khắp thế giới. Tại một số nước, hơn 70% phụ nữ từng đã phá thai. Tại sao ngày nay, vấn đề này bỗng nhiên lại thịnh hành đến thế: phá thai, an tử?

Cha Gahl: Vâng, đây là một nghịch lý đáng buồn, một nghịch lý nhắc ta nhớ tới Tội Nguyên Tổ. Với Tội Nguyên Tổ, Adong và Evà thực sự đã cố gắng thay thế Thiên Chúa bằng việc muốn trở nên thần thánh. Ngày nay, khi những con người nhân bản muốn chiếm lấy quyền lực Thiên Chúa, tức quyền lực đối với nguồn sự sống, và thay thế Người để họ có thể kiểm soát lúc khởi đầu của sự sống theo cách đi ngược hẳn lại ý định của Thiên Chúa và do đó đi ngược hẳn lại ý định của tình yêu, họ cảm thấy đầy quyền lực trong giây lát. Nhưng chẳng bao lâu sau, họ cảm thấy thất vọng, thậm chí còn bác bỏ cả căn tính của mình, vì căn tính của họ là căn tính của tình yêu, vì tất cả chúng ta được tạo ra để yêu thương.

Trái tim ta được tạo ra cho tình yêu. Bởi đó, thay vì là những con người yêu thương, thay vì các mối liên kết gia đình, ta trở thành những người chế tạo, những người có quyền kiểm soát các sản phẩm. Như thế là bác bỏ căn tính của mình vì nếu năng lực trao ban sự sống của ta chỉ là năng lực sản xuất ra các yếu tố như thể “tôi đã được sản xuất ra” và “tôi chỉ là thành phẩm cuối cùng của hệ thống sản xuất đã được cơ giới hóa” thì rõ ràng đó là một bác bỏ chính phẩm giá làm con cái Thiên Chúa của tôi, phẩm giá là con cái của cha mẹ tôi.

Hỏi: Nếu phải nhìn trở lui lịch sử, đâu là thời điểm, hay thời cơ thuận tiện khiến việc phá thai và dùng tế bào gốc phôi thai để nghiên cứu được chấp nhận và việc an tử xuất hiện ở chân trời?

Cha Gahl: Phá thai, buồn thay, đang xẩy ra khắp nơi đến nỗi ngày nay nhiều người, cả các văn kiện của LHQ nữa, cũng coi nó là quyền về sinh sản. Nguồn gốc của điều đó chính là cuộc cách mạng tình dục, vốn chẳng phải là một cuộc cách mạng giải phóng nhưng là một cuộc cách mạng tự yêu mình cách bệnh hoạn (narcissism), cuộc cách mạng hạ bệ, cắt bỏ các mối liên kết, cắt bỏ âu yếm, tình bạn và tình yêu với người khác. Và điều chính yếu trong cuộc cách mạng tình dục này, một điều có tính xúc tác, giống như đổ dầu vào lửa đang hoành hành, chính là việc khai triển ra hóa chất ngừa thai, khiến người ta có khả năng làm tình mà không có con, hưởng tính dục chỉ như một khoái cảm ích kỷ. Họ có thể cắt đứt sợi dây nội tại nối kết tính dục với việc trao ban sự sống, và trong khi làm như thế, họ đã cắt đứt tính dục khỏi cam kết yêu thương đầy nghiêm túc, khỏi việc thiết lập một gia đình, và dĩ nhiên khỏi việc trở thành cha thành mẹ, thực sự giảm thiểu nhân phẩm con người.

Thiển nghĩ vấn đề phá thai giống như một tia sáng báo hiệu. Nó báo hiệu cho thấy sự sống đang bị hủy diệt, nhưng điều còn trầm trọng hơn nữa, nó báo hiệu một điều gì đó bàng bạc hơn và bén rễ sâu hơn trong xã hội ta, sâu xa hơn ta tưởng.

Hỏi: đó là điều gì?

Cha Gahl: Đó là việc đánh mất căn tính của chính bản ngã ta như là chủ thể tham dự vào quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa và được mời gọi trở nên cha nên mẹ.

Hỏi: Phá thai thường được biện minh như quyền được chọn lựa nhưng cũng được biện minh như một đòi hỏi của tình yêu. Thí dụ, tôi thà phá thai đứa con của tôi hơn là nuôi nó trong tình thế không được yêu thương. Làm thế nào chúng ta lại phải đối diện với tình thế ngược đời trong đó người ta lấy tình yêu để biện minh cho chết chóc?

Cha Gahl: Tình yêu nhân bản thật sự không có điều kiện. Nó có đó khi bạn yêu ai bất kể chuyện gì. Bất kể chuyện gì xẩy ra cho họ, bạn vẫn quan tâm chăm sóc họ. Nếu họ yếu đau, kể cả khi họ bị tai nạn xe hơi và bị bại liệt, bạn vẫn chăm sóc họ suốt đời. (Trái lại), thứ tình yêu kia, thứ tình yêu vị kỷ kia, là khi bạn chỉ hiến thân cho một ai đó cho tới lúc bạn không còn thích họ nữa. Ta cần phải đảo ngược hoàn toàn vấn đề này để chủ trương rằng ta cần phải chấp nhận mọi người, mọi sự sống nhân bản, như kiểu nói của Mẹ Teresa: “không có đứa trẻ nào ta không muốn. Nếu có đứa trẻ nào bị người ta không muốn thì cứ đem đến tôi, tôi sẽ chăm sóc nó vì tôi yêu thương nó”.

Và đây mới là sự thật của vấn đề. Nếu có ai đó đưa ra chủ trương: phá thai giúp ta thi hành một thứ chăm sóc vị tha nào đó đối với người khác để tránh nghịch cảnh, thì điều đó sẽ dẫn đến thảm họa, tôi dám nói là sát nhân nữa, vì quả đã chủ trương rằng người khuyết tật không đáng hiện hữu. Làm việc đó là bạn đã bác bỏ mọi phẩm giá con người.

Hỏi: Ta đã thay đổi từ việc coi sự sống có tầm quan trọng nội tại đến việc nhấn mạnh tới phẩm chất sự sống. Sự thay đổi này đặt ra câu hỏi: đâu là phẩm chất sự sống? Tôi có vui hưởng phẩm chất sự sống của tôi không? Còn người khuyết tật nữa: họ có vui hưởng phẩm chất sự sống mà họ đáng được hưởng hay không, một phẩm chất trên thực tế đang đặt chính sự sống của họ thành vấn đề?

Cha Gahl: Đúng thế. Một phần trong kiểu luận lý đáng kinh hãi nội tại ngay trong điều ông vừa mô tả cũng dẫn tới việc phê phán mỗi người chúng ta tùy theo thành tích của mình; giá trị của tôi tùy thuộc hoàn toàn ở điều tôi làm được trong xã hội. Nếu, vào một thời điểm nào đó, kết quả của tôi làm người khác thất vọng do vì đau yếu, lỗi lầm hay vô tình nằm trong một khu vực kỹ nghệ hay kinh tế không được người tiêu thụ ưa thích nữa, tôi sẽ cảm thấy mình không còn được cần tới và do đó, không còn chi quan trọng cả. Cấu trúc phán đoán này cũng sẽ được áp dụng vào các bà mẹ khi họ sinh ra những đứa con mắc hội chứng Down chẳng hạn. Những bà mẹ này sẽ bị phê phán nặng nề và một cách đầy tiêu cực. Điều này quả là khiếp đảm, như thể đó là một chọn lựa sai lầm khi mang vào đời những đứa trẻ như thế, mà thực ra đó là những con người đáng yêu. Suy nghĩ như thế là theo thuyết ưu sinh (eugenics), một lý thuyết được các xã hội Tây Phương chứng nhận trong đó gần 90% các trẻ sơ sinh mang hội chứng Down bị trục thai trước khi sinh ra chỉ vì thứ luận lý sa đọa kia.

Hỏi: Hồng ân lớn nhất Thiên Chúa ban cho nhân loại là hồng ân được cùng với Người đồng sáng tạo ra sự sống. Phá thai đã làm gì để bẻ gẫy mối liên hệ này giữa con người và Thiên Chúa?

Cha Gahl: Vì chủ nghĩa duy khoa học, một chủ nghĩa rút gọn mọi sự vào sự kiện khoa học, nên đôi khi ta quên rằng khởi nguyên của sự sống nhân bản không chỉ phát xuất từ người đàn ông hay người đàn bà, mà còn phát xuất từ Thiên Chúa nữa. Sự sống ấy cần đến 3 người vì linh hồn con người không phải là vật chất. Nó là một linh hồn thiêng liêng, trực tiếp và tức khắc do Thiên Chúa tạo nên. Bởi thế, khi người đàn ông và người đàn bà đến với nhau để có đứa con, thì đứa con đó cũng là đứa con của Thiên Chúa, có khi còn hơn thế nữa. Thành thử, nếu ta có thể phục hồi được việc tôn trọng sự sống như thế, ta sẽ ý thức như mới vai trò của Thiên Chúa trong việc trao ban sự sống và nhờ thế cả năng lực mà ta vốn có một cách nội tại này, một năng lực thực sự có tính thần thánh và siêu việt. Đó là năng lực sáng tạo nhờ thế ta gần như nắm được Thiên Chúa trong bàn tay mình vì, theo một nghĩa nào đó, ta có thể nói cho Người hay lúc nào cần tạo ra một linh hồn nhân bản. Như thế, nếu ta phục hồi được lòng tôn trọng đối với sự can thiệp của Thiên Chúa, thì điều này cũng sẽ giúp ta tôn trọng lẫn nhau như hình ảnh của Người, hơn nữa còn là một Chúa Kitô khác.

Hỏi: Trong những nước như Nga, hơn 70% phụ nữ từng phá thai. Tại một số tỉnh của nước này, tỷ lệ phá thai có khi còn cao hơn do việc họ sử dụng việc đó như một phương tiện kiểm soát sinh đẻ. Tại Trung Quốc, chính sách một con buộc phụ nữ phải phá thai. Đâu là tác động tâm linh và tâm lý của hiện tượng đó đối với xã hội?

Cha Gahl: Tại Đông Âu, nơi ta thường thấy các tỷ lệ phá thai cao, song song với tỷ lệ cao về tự tử, nghiện ngập và trầm cảm nặng nề, người ta thường ủng hộ chủ nghĩa hư vô, một mất mát toàn diện về ý nghĩa đời người. Điều này thường xẩy ra trong một xã hội vốn không được xây dựng trên tình yêu con cái. Cần phải canh cải não trạng ấy. Cám ơn Chúa, vì một số các nước đó đang có, thực tế, đang cho thấy một khuynh hướng tích cực. Riêng tại Liên Bang Nga, mới đây đã có việc gia tăng sinh suất. Tỉ suất phá thai tuy vẫn còn cao nhưng ta hy vọng rằng việc gia tăng sinh suất sẽ tiếp diễn cách nào đó khiến tỉ suất phá thai kia sẽ giảm đi.

Hỏi: Giáo Hội có thể và nên làm gì hơn nữa trong các vấn đề này?

Cha Gahl: Trước nhất, khi nghĩ tới “Giáo Hội” ta thường nghĩ tới hàng giáo phẩm: linh mục, giám mục, Đức Giáo Hoàng, nhưng thực ra, Giáo Hội là toàn thể các Kitô hữu đã được rửa tội. Giáo Hội là một gia đình, nên ta cần mọi người, mọi Kitô hữu đã được rửa tội, biết yêu thương chấp nhận sự sống. Ta cũng cần giúp một tay tại các trung tâm thai nghén gặp khủng hoảng. Lẽ dĩ nhiên, Giáo Hội huấn quyền, hay Giáo Hội phẩm trật cũng cần phải gắn bó với các nguyên tắc của thần học luân lý Công Giáo trong lãnh vực này.

Giáo Hội cần tiếp tục theo gương Karol Wojtyla. Lúc còn là tổng giám mục của Krakow, ngài từng mở các trung tâm giúp đỡ các phụ nữ gặp khủng hoảng. Nhưng điều quan trọng cần nhớ là: Thiên Chúa là tình yêu. Mà tôi là một đứa con của Chúa. Tôi được dựng nên theo hình ảnh của Người, nên cả tôi nữa, tôi phải làm cho khuôn mặt của Thiên Chúa, khuôn mặt của yêu thương, hiện diện giữa những con người nhân bản. Nếu ta làm việc đó trong mọi tương giao nhân bản, nếu ta thực sự tỏ lòng tôn trọng đối với nhân phẩm, nếu ta tỏ lòng tôn trọng và yêu thương đối với những người đang đau khổ, thì ta đã khởi đầu phục hồi được các nguyên tắc cần thiết giúp cho mọi sự sống nhân bản được chấp nhận. Lúc đó, sự sống không còn bị coi là một sản phẩm nữa, như những em bé của nhà thiết kế được sản xuất trong ống nghiệm theo ý muốn của một nhà sản xuất nào đó.

Nếu có thể trở lui, tôi muốn nói thêm điều này: tính dục của chúng ta cũng cần được phục hồi để tái ý thức rằng nó thánh thiện và do đó, các khuôn mẫu nết na của ta cũng như lòng tôn trọng đối với tính dục cũng như các thèm muốn tính dục của ta cần được thực thi trong sự trong sạch và can đảm để sẵn sàng trao ban sự sống bên trong cơ cấu gia đình.

Zenit 27 tháng 6 năm 2011

See Also

7/15/2010
Đạo đức sinh học và việc nhận phôi thai đông lạnh làm con nuôi
Vũ Văn An
2/15/2010
ĐGH: Đạo đức sinh học cần đến luật tự nhiên
Phụng Nghi
6/10/2009
Lưu trữ tế bào gốc cuống rốn: quan điểm đạo đức sinh học
Vũ Văn An
12/15/2008
Tòa Thánh công bố huấn thị về đạo đức sinh học: “Phẩm giá con người”
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
2/7/2008
Thách đố về đạo đức sinh học: Một phôi được tạo thành bởi ba cha mẹ
Lm. Phêrô Trần Mạnh Hùng
4/12/2010
Tổng Thống Hoa Kỳ Obama bổ nhiệm Tu sĩ Dòng Phanxicô vào Ủy Ban Đạo đức Sinh học
Dominic David Trần
6/13/2008
Trung Tâm Nghiên Cứu về Đạo Đức Sinh Học Công Giáo Quốc Gia nhận được nhiều giải thưởng lớn
Anthony Lê
5/6/2008
Mất mát lớn của Trung Tâm Nghiên Cứu về Đạo Đức Sinh Học Công Giáo Quốc Gia
Anthony Lê
3/12/2008
Các giám mục Hàn Quốc nâng cấp ủy ban đạo đức sinh học nhằm đẩy mạnh 'văn hóa sự sống'.
Radio Veritas
6/7/2004
Lược trích bài phỏng vấn với Bác Sĩ chuyên khoa Sinh Học Đạo Đức Brigid Vout
Anthony Lê
5/23/2011
Vấn đề dân số của Trung Hoa
Vũ Văn An
12/13/2010
“Áo mưa” và hai cơn bão lửa
Vũ Văn An
8/16/2010
Tạo thành thắng sinh thành
Vũ Văn An
8/11/2010
Người Công Giáo Úc và cuộc bầu cử Liên Bang
Vũ Văn An
8/10/2010
Cuộc cách mạng sinh y học
Vũ Văn An
5/24/2010
Những ý kiến về vấn đề tế bào nhân tạo
Trần Mạnh Trác
5/22/2010
Vấn đề tế bào nhân tạo - Vatican thận trọng chào đón
Trần Mạnh Trác
4/21/2010
Nhân bản học biến hóa hay cố gắng tạo mẫu người mới
Vũ Văn An
2/26/2010
Chủ nghĩa duy tương đối và việc sói mòn nhân quyền -- Cần các nền tảng gia đình
Vũ Văn An
1/20/2010
Giáo dục văn hóa sự sống
Vũ Văn An