Thứ Tư, 15 tháng 6, 2011

THƯ NGỎ GỬI ÔNG RICK SANTORUM - ỨNG CỬ VIÊN TỔNG THỐNG HOA KỲ

Kính ông Santorum:

Hôm 6 tháng 6 vừa qua, tôi hết sức vui mừng khi được tin ông quyết định ra tranh cử chức vụ TT Hoa Kỳ vào năm 2012, đại diện cho Đảng Cộng Hòa, cùng một lượt với sáu vị khác trong đảng.

Tôi rất thích cái tít mà tờ New York Times đã cho chạy: “’Người Chiến Sĩ Văn Hoá’đang tìm cách mở rộng chiến tuyến.” Nó lập tức thu hút sự chú ý của tôi. Thực ra, tên tuổi của ông còn khá lạ lẫm đối với nhiều người. Riêng tôi, lần đầu tiên nghe biết tên ông là vào năm ngoái, hãng thông tấn CAN có đăng tin ông và phu nhân (Karen) được Franciscan University of Steubenville (Ohio) truy tặng Huân Chương Poverello--tức ‘Người nghèo bé nhỏ,’ ám chỉ Thánh Phanxicô Assisi--vì công sức ông bà đã bỏ ra trên mặt trận văn hóa được đánh giá là “xuất sắc” dưới khía cạnh nhân chứng phò-sự-sống và phò-gia-đình. Huân chương này là phần thưởng cao nhất được Viện Trưởng Viện Đại Học truy tặng trong buổi tiếp tân chính thức ngày 11 tháng 3 năm 2010 tại Country Club của Quốc Hội thuộc thành phố Bethseda, Maryland. Khi trao Huân Chương cao qúy này cho ông bà, LM Chưởng ẤnTerence Henry, TOR, đã dõng dạc tuyên bố: “Hai vị này là những vị anh hùng trong lãnh vực phò-sự sống. Franciscan University vui mừng vinh danh họ, nhất là trong thời buổi hiện nay, khi người ta đang ra sức tấn công vào những phần tử yếu đuối và dễ tổn thương nhất của xã hội. Chứng tá của các chiến sĩ phò-sự sống như nhị vị đây thúc đẩy chúng ta tiếp tục chiến đấu trong cuộc chiến xứng đáng.” Được biết trước đây, Mẹ Têrêsa thành Calcutta (nay là Chân Phước), cũng đã được truy tặng Huân Chương này.

Vì chưa rõ về ông lắm, thành ra nhân dịp này tôi cố gắng tìm hiểu chút ít về thân thế sự nghiệp cũng như gia đình ông để mình dễ nói chuyện với nhau. Chỗ nào sai sót, xin ông bổ túc và điều chỉnh sau. Được biết ông thuộc phe bảo thủ Đảng Cộng Hòa tại Pennsylvania, năm nay mới 53 mùa xuân xanh. Sau khi làm Dân Biểu Hạ Viện năm 1990, ông đã tiếp tục trúng cử chức Nghị Sĩ Liên Bang từ năm 1995 đến 2007. Ông là tác giả luật chống phá thai bán phần, cũng như đóng góp nhiều vào việc thông qua luật Bảo Vệ Trẻ Sơ Sinh Còn Sống, luật chống Bạo Hành dành cho các nạn nhân chưa được sinh ra, và luật chống chứng Tự Kỷ. Tôi cũng biết ông đã cống hiến nhiều công sức và tài chánh trong cao trào phòng chống bệnh liệt kháng (AIDS) tại Phi châu, cũng như tranh đấu bảo vệ quyền tự do tôn giáo và nữ quyền trong các thể chế độc tài hiện nay trên thế giới. Hiện nay ông đang làm cho một đài phát thanh, vừa viết báo và làm việc tại Trung Tâm Chính Sách Đạo Đức Công Cộng. Tác phẩm bán chạy nhất năm 2005 của ông mang tựa đề “It Takes A Family—Cần Đến Một Gia Đình”.

Trong khi đó, bà nhà Karen vừa là một y tá, vừa là một luật sư. Là y tá, bà đã phục vụ lâu năm trong dưỡng đường chăm sóc đặc biệt dành cho các trẻ sơ sinh thiếu tháng hoặc ốm yếu bệnh nạn. Với tư cách luật sư, bà đã trở thành một thành viên tích cực của Luật Sư Đoàn Pennsylvania. Ngoài ra, với kinh nghiệm của một người mẹ có bẩy người con, bà đã hoàn thành tác phẩm “Letters to Gabriel--Những lá thư gửi Gabriel” nói lên tình yêu và nỗi đau khổ khi cả gia đình trải qua kinh nghiệm về sự sinh non và chết trẻ của một người con mang tên Gabriel.

Xem ra, gia đình ông bà như thế thật hạnh phúc, với một đời sống Công giáo đạo đức, rập khuôn Thánh Gia Thất Nazaret, dùng thế giá của mình nhằm bênh vực và đề cao các giá trị nhân bản, xã hội và Công giáo chân chính, thiết tưởng thật xứng đáng trở thành mẫu mực cho các gia đình.

Thông điệp cốt lõi ông muốn gửi đến toàn dân Hoa Kỳ là niềm tin vào ‘exceptionalism—chủ nghĩa xuất chúng’ của Mỹ quốc, thuật ngữ ông dùng ám chỉ nỗ lực và dấn thân của người dân Hoa Kỳ chính danh dành cho “sự sống, tự do, và mưu cầu hạnh phúc.” Tiếc thay, cái thứ triết lý đơn giản này, theo ông, lại không được vị đương kim TT Hoa Kỳ chia sẻ, bởi vì vị đương kim TT đã và vẫn còn là một “tai họa” trong hầu hết mọi khía cạnh, do việc ông ta chỉ tin vào sự vĩ đại của chính quyền, mà không tin vào sự vĩ đại đáng nể của chính người dân nước này. Do đó, ông muốn “nhắc nhở mọi người phải kiểm điểm lại xem mình là ai, mình đã đến được nơi đây bằng cách nào, và nhất là biết mình phải làm gì để cưỡng đoạt lại chân tính của mình.”

Một nét chân tính của người dân Hoa Kỳ, theo ông, chính là niềm tin vào Thượng Đế, biết đặt nặng tầm quan trọng của tôn giáo trên nền dân chủ Mỹ quốc. Phải, thưa ông Rick Santorum, tôi hoàn toàn đồng ý với ông về quan điểm này. Và cũng chính vì nó mà tôi mới mạo muội viết thư này cho ông đó. Để tôi tạm bàn với ông chút xíu nhé: Không có một nước nào trên thế giới này lại in cái câu bất hủ “In God We Trust—Chúng Tôi Tin nơi Thượng Đế”—trên đồng tiền của nước mình, ngoại trừ nước Hoa Kỳ. Mà in trên đồng tiền, chứ không phải trên bất kỳ cái gì khác. Hóa ra, dân chúng Hoa Kỳ là dân “có đạo” nhất thế giới; họ đã biến đồng tiền—vốn tượng trưng cho uy lực thế gian này—thành phương tiện để tuyên xưng niềm tin của mình vào Thượng Đế. Qua dấu chứng này, dân Hoa Kỳ muốn hô lên cho thế giới biết rằng: cho dù tiền bạc có sức mạnh vô song—là tiên là Phật chăng nữa—thì Thiên Chúa còn dũng mãnh hơn cả tiền bạc. Phải chăng sự tuyên tín mãnh liệt và công khai mà dân chúng Hoa Kỳ đặt nơi Thiên Chúa đã khiến cho Ngài không thể không chúc lành cho dân tộc này, không thể không biến vùng đất này trở thành miền đất hứa tân thời, miền đất của cơ hội, của tự do dân chủ và phú cường. “Có đất nào như đất ấy không?”, lời thơ của một thi sĩ lỗi lạc của VN chúng tôi, tuy viết ra trong một mạch văn và một ý nghĩa khác, nhưng sao lại áp dụng quá đúng vào đất nước Hoa Kỳ này đến thế? Quả vậy, có mấy ai chưa từng mơ được sống ở đất nước này? Hoặc nếu không được sống thì ít ra cũng được một lần đặt chân đến, để chỉ ngắm xem một cái rồi có chết cũng đành lòng! Như thế thì có khác chi thiên đàng hạ giới? Quả là chẳng có đất nào như đất ấy đâu!

Ấy thế mà càng ngày càng có nhiều người muốn xóa bỏ dòng chữ độc đáo bất hủ ấy trên đồng tiền họ tiêu hàng ngày, cho dù họ đã gạt bỏ câu nói ấy ra khỏi tâm can mình từ lúc nào rồi, và cho dù trong thực tế đời sống, họ đã hoàn toàn dứt điểm lời tuyên tín ấy từ hồi tám đế rồi. Thật đáng tiếc, những kẻ đó đang mặc nhiên gieo rắc tai họa xuống cho chính mình, cho dân tộc này, và cho cả loài người.

Tôi rất tâm đắc với lời ông nhắc nhở người dân Hoa Kỳ về chân tính của mình là phải củng cố niềm tin vào Thượng Đế. Từ nỗi trăn trở này, ông đã trở thành chiến sĩ của nền văn minh sự sống, của nền văn hóa gia đình. Hẳn nhiên ông phải khai chiến với lũ giặc phá thai và đồng tính, một mặt trận ngày càng khốc liệt bởi vì nó chủ trương lối đánh chắc ăn, nấp dưới lớp áo an toàn của nữ quyền, bình đẳng, tự do, dân chủ và không kỳ thị. Toàn là những lớp vỏ sắc như dao cau, đụng vào chỉ có đứt tay và đổ máu. Xin ông nhớ bảo trọng!

Ngoài thông điệp cốt lõi là nhắc nhở dân chúng Mỹ trở về với nguồn chân tính của mình, tôi biết ông và bộ tham mưu đã chuẩn bị chu đáo về đủ mọi vấn đề, từ kinh tế, an sinh xã hội, bảo hiểm sức khỏe, công ăn việc làm, cho đến an ninh quốc phòng, và chính sách ngoại giao, lãnh vực nào cũng phải có viễn kiến và kế hoạch hành động. Ông đang cố gắng làm công việc đội đá vá trời. Càng cảm phục ông, tôi càng thương ông, bởi thấy ông đã chọn cho mình con đường gai góc và cheo leo mà đi, thay vì cứ sử dụng chiêu bài mỵ dân và ăn nói làm sao để khỏi bị coi là “politically incorrect—phản động, bảo thủ.”

Dù sao chăng nữa, tôi hứa sẽ ủng hộ ông, không phải vì ông thuộc Đảng Cộng Hoà đâu nhé, mà vì lập trường “đạo gốc chân chính” của ông. Hình như ông là con cháu di dân từ Ý qua Mỹ thì phải? Còn tôi đây là dân bắc-kỳ di-cư năm-tư vượt-biên sang đây. Nếu thế thì mình cùng là dân di cư con nhà có đạo cả. Một lần nữa, tôi ủng hộ ông và rất mong ông lọt qua vòng đầu là được đề cử, rồi cứ thế tiến tới nữa. Một người như ông, đối với tôi, thực sự rất xứng đáng trở thành Ứng Cử Viên Tổng Thống (ƯCVTT) Hoa Kỳ. Để tôi giải thích thêm chút ít.

Ông phải là ƯCVTT để đại diện cho tiếng nói của đa số thầm lặng, của những người thấp cổ bé miệng như chúng tôi, chẳng làm sao nói lên được sự thật về đạo làm người, về nền văn hoá đạo đức, về truyền thống tốt đẹp và tích cực của đời sống hôn nhân và gia đình, được Thiên Chúa an bải từ tạo thiên lâp địa đến nay, về những nguyện vọng thầm kín của mình là được sống trong một xã hội an toàn, nhân ái, tự do và công bằng.

Ông phải là ƯCVTT để nói thay cho chúng tôi rằng chúng tôi không đồng ý với những lời hứa cuội cũng như những tuyên bố bừa bãi của các chính khách chuyên mỵ dân để kiếm phiếu, càng không đồng ý với những kiểu sống bê tha phóng túng của kẻ có chức (xin miễn đọc lái!), lợi dụng quyền hành và lạm dụng tiền thuế của nhân dân để âm thầm lập ‘phòng nhì’ hay vui chơi với kiều nữ chân dài.

Ông phải là ƯCVTT để nói dùm chúng tôi rằng khi thiên hạ đua nhau ly dị thì không có nghĩa những kẻ đã kết hôn mà còn tiếp tục ăn đời ở kiếp với nhau đều là những kẻ ngu dại cả; rằng khi việc cấm ‘ông lấy ông, bà cưới bà’ bị ông quan tòa ấm ớ tức tưởi lên án là vi hiến, bất chấp đa số đã bỏ phiếu cấm chỉ, thì không có nghĩa hôn nhân nam nữ truyền thống sẽ đương nhiên trở thành lố bịch; rằng đang khi thiên hạ lẳng lặng tiêu diệt các bào thai một cách vô tội vạ, thì những thai phụ ngày đêm chăm sóc bào thai của mình được khỏe mạnh và sinh ra sao cho mẹ tròn con vuông sẽ đều là những kẻ chẳng hiểu biết gì hết; rằng khi thiên hạ cổ võ nam nữ yêu vội sống thử thì những việc như dự bị hôn nhân, tìm hiểu đứng đắn sẽ chẳng còn ý nghĩa gì cả; rằng khi thanh niên thiếu nữ hè nhau bỏ lễ Chúa Nhật ở nhà coi đấu bóng hay đi chơi thoải mái, thì những nam phụ lão ấu đi lễ nhà thờ đều là những kẻ vô công rỗi nghề…vân vân và vân vân.

Ông phải là ƯCVTT để cứu vãn đất nước này khỏi lao đầu xuống vực thẳm khi cố tình thử thách Thiên Chúa bằng những thói kiêu căng của loài người, tuy tiến bộ vượt bực về khoa học kỹ thuật, nhưng quá khờ khạo và dửng dưng về mặt đạo đức tâm linh, cứ tỉnh bở sống y như thể không hề có Thượng Đế ở trên cao. Như thế có nghĩa là giúp cho dân tộc và đất nước này tiếp tục được hưởng nhận ơn trời mưa móc để mãi mãi là chốn thiên đàng hạ giới thật sự, nơi công bằng, tự do và nhân ái nở rộ như một vườn hoa muôn sắc.

Thân chúc ông những ngày vận động không mỏi mệt, được nhiều người ủng hộ và thành công mỹ mãn.

Một người hâm mộ ông,

Nguyễn Kim Ngân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét